Tuesday, 18 September 2012

Phim truyền hình Việt đang chết

Phim cứ làm, đài cứ phát, và người xem cứ thờ ơ, đây là thực trạng đáng báo động đối với phim truyền hình Việt.

Nhạt nhẽo

Với mật độ phủ sóng các giờ vàng lẫn trải đều mỗi sáng, trưa, chiều, tối các ngày trong tuần hiện nay (theo tiêu chí dành 30-50% thời lượng phát sóng cho phim Việt của các đài), muốn xem phim truyền hình Việt thì bật là “dính” ngay. Song, khác với 5 - 7 năm trước, khi giờ vàng phim Việt ra mắt, khán giả luôn háo hức theo dõi phim này phim kia và bàn luận rôm rả, nhưng nay thì phim cứ ồ ạt làm, đài cứ rầm rộ phát, và người xem cứ... thờ ơ! Dễ hiểu bởi đây là hệ quả tất yếu của việc chạy theo số lượng nhằm đáp ứng tiêu chí trên. Song, vì “cuộc đua” diễn ra quá nhanh trong khi đội ngũ làm phim của chúng ta chưa đủ, vì điều kiện kỹ thuật, phim trường... của chúng ta chưa đáp ứng được (khoan nói đến việc đạt và mạnh), nên cuối cùng, nhu cầu “người Việt xem phim Việt” không những không được đáp ứng mà xem ra đang bị phản tác dụng.

 

 Phim truyền hình Việt đang chết
Chân trời trắng bị phản ứng dữ dội vì nội dung phim lệch lạc - Ảnh: VFC

 

Thử rà một loạt và theo dõi giờ phim trên các kênh của đài lớn hiện nay, hiếm có phim nào để lại ấn tượng hay sự thích thú sau... nửa tiếng xem thử. Từ VTV, HTV đến hàng chục đài của các tỉnh, thành khác, từ phim cho tuổi học trò - Ngôi sao 31đến đề tài thời sự trong Mặt nạ da người hay phim về người điên - Mình cưới thật em nhé..., câu chuyện đâu phải không đáng xem, nhưng những gì thể hiện trên màn ảnh sao cứ đều đều, kịch kịch... Chị Ngọc Nhi - nhân viên ngân hàng, Q.1, TP.HCM, cho biết: “Phim giờ lúc thoại như đọc phim tài liệu, lúc y như kịch nói có quay ngoại cảnh. Thời kỳ phim truyền hình mới bắt đầu, nội dung phim hay và chất lượng hơn. Nay thì hình như người ta chỉ đua nhau làm phim, tranh nhau phát sóng chứ chẳng quan tâm nhiều đến chuyện đầu tư về nội dung, chất lượng”.

Tất nhiên, những năm qua, cũng từng có một số phim làm nóng các diễn đàn, khiến người xem háo hức chờ đợi cũng như tiếc nuối khi kết thúc (Cầu vồng tình yêu, Làn môi trong mưa mới đây trên VTV, Đồng quê trên HTV, hoặc trước đó là Vật chứng mong manh, Dù gió có thổi, Vó ngựa trời Nam, xa hơn nữa là Không chùn bước trên Đài PTTH Vĩnh Long...), nhưng vì số phim “được” và “vượt trội” như thế quá ít ỏi so với lượng phim “thường thường bậc trung” nên mặt bằng chung vẫn rất “eo sèo”.

“Không muốn xem lại phim mình  đóng”

Trong bối cảnh nhà nhà làm phim, người người làm phim tưởng chừng rất xôm tụ ấy, không chỉ có những đạo diễn thiếu kinh nghiệm, chưa đủ trình độ, mà không ít đạo diễn tên tuổi, có uy tín trong nghề lại tự hạ thấp tay nghề khi chấp nhận làm công ăn lương cho các nhà sản xuất, thỏa hiệp với sự dễ dãi. Vậy nên nhiều người làm phim cũng thừa nhận: “có bao giờ xem phim mình làm đâu”. Đạo diễn ngại xem phim mình làm, còn diễn viên cũng không dám “nhìn lại” nhân vật mình lần thứ 2, vì “chỉ cố gắng làm tròn vai, còn tổng thể chung thì... khỏi nói cũng biết rồi”, một nam diễn viên đắt giá trên màn ảnh nhỏ hiện nay ngao ngán tiết lộ. Một nghệ sĩ (không muốn nêu tên) thẳng thắn nói: “Đóng phim truyền hình bây giờ chỉ để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi nghề; chứ nói thật, đi làm phim mới thấy chưa cần xem cũng biết nó dở như thế nào và tôi nhiều khi còn không muốn xem lại khi phim phát sóng”.

Thử hỏi, với đội ngũ làm phim “chán” như vậy, thì lấy đâu ra những tác phẩm đàng hoàng, chứ chưa nói đến chất lượng. Này nhé, phim tình cảm tâm lý thì cứ nhạt nhòa từ nhân vật đến câu chuyện, nên người xem dễ bị nhầm lẫn phim này với phim kia. Đặc biệt với phim về ngành nghề, những người trong nghề xem luôn cảm thấy ấm ức bởi phim hoàn toàn xa rời thực tế (như phim Chân trời trắng - vừa được phát sóng, bị sinh viên trường y phẫn nộ vì chỉ toàn thấy cảnh sinh viên ăn chơi, giáo sư lừa tình). Phim chính luận dù phản ánh hiện thực nóng bỏng của xã hội, từ sự tha hóa đạo đức của cán bộ quan chức đến việc báo giới đã vạch trần những tiêu cực ấy như thế nào, dù đề tài hấp dẫn nhưng cách kể/làm dường như vẫn còn nhát tay và chưa thật lắm, nên khó lôi cuốn người xem (như Mặt nạ da người). Với các phim lịch sử, cách mạng ngợi ca quá khứ hào hùng, nhưng lại bị chi phối bởi kinh phí, rồi khó khăn về bối cảnh... nên sự hào hùng ấy cũng thiếu ấn tượng, chẳng hạn Anh hùng Nguyễn Trung Trực hay Chiến hạm nổ tung đang phát trên HTV). Do vậy, mới có ý kiến vui rằng, để an toàn nhất, có lẽ nên làm phim về người... điên.

No comments:

Post a Comment